Một thao tác đơn giản trong quá trình sử dụng máy tính: Tìm kiếm một tài liệu, copy về máy tính cá nhân và tài liệu đó thuộc về chúng ta. Công việc còn lại là cắt dán và chắp nối những đoạn khác nhau để hoàn thành "công trình nghiên cứu" của mình. Nhanh gọn, nhàn tênh, chẳng phải suy nghĩ nhiều! Cứ thế, chúng ta đã trở thành những người đạo văn chuyên nghiệp, chính cống.
Có một khái niệm cần làm rõ ở đây. Chúng ta sở hữu tài liệu nhưng cần phải hiểu rằng chúng ta không sở hữu nội dung tài liệu đó. Những người đã sáng tạo ra nội dung đó mới là người sở hữu, những tác giả chân chính. Họ xứng đáng được tôn trọng, được ghi nhận vì những gì đã làm, đã cống hiến, đã sáng tạo, cho phép chúng ta “đứng trên vai những người khổng lồ”, tạo tiền đề cho xã hội, cho thế giới phát triển như ngày hôm nay. Chúng ta, những người sử dụng phải có trách nhiệm ghi nhận những cống hiến đó.
Chúng tôi, những người viết bài này đã làm một thí nghiệm nho nhỏ. Kiểm tra tính trùng lặp nội dung của 69 khóa luận sinh viên ngành Kế toán kiểm toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị doanh nghiệp và 31 nghiên cứu khoa học của sinh viên HPU năm 2013 và 2014 bằng phần mềm Turnitin. Kết quả thử nghiệm cho thấy với khóa luận, bài đạt tỉ lệ thấp nhất: 39% trùng lặp, bài tỉ lệ cao nhất là 69%. Đối chiếu với tiêu chuẩn chung, một bài được đánh giá đạt yêu cầu phải có tỷ lệ <30%, có thể thấy đối với khóa luận 100% các bài có một tỷ lệ đạo văn nhất định. Thậm chí có tới gần 10% các nghiên cứu khoa học cũng rơi vào trong diện này. Những con số này thực sự đáng báo động. Nhưng có lẽ các bạn sinh viên không biết cách thức trích dẫn hoặc cũng không biết đoạn văn gốc là của tác giả nào?
Đứng trước việc nạn đạo văn đang phổ biến trong sinh viên cả nước, lần đầu tiên, vào tháng 05/2015 gần 20 trường Đại học đã ngồi cùng nhau để bàn bạc xây dựng một mạng lưới hành động vì liêm chính học thuật nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên. Trong mạng lưới này, các trường sẽ cùng nhau chia sẻ cơ sở dữ liệu luận văn, đồ án, nghiên cứu khoa học, sách tham khảo… của các trường cho việc áp dụng phần mềm chống đạo văn. Trường Đại học Dân lập Hải Phòng cũng sẽ là thành viên của mạng lưới này.
Nhưng phòng vẫn hơn chống: gốc vấn đề là thay đổi phương pháp học, thay đổi tư duy và nâng cao lòng tự trọng. Chỉ khi đó học tập mới giúp ươm mầm khoa học cho tương lai, hình thành thói quen sáng tạo, sự chủ động trong việc rèn luyện kỹ năng của giới trẻ.
Chúng ta hãy biết trân trọng thành quả lao động của người khác nếu bạn kỳ vọng người khác tôn trọng những nỗ lực của chính bạn. Xã hội chỉ có thể phát triển nếu có những con người biết suy nghĩ, sáng tạo, và làm chủ tương lai phải không các bạn ?
Trung tâm Thông tin - Thư viện